Trước thông tin về việc thịt lợn chứa Clenbuterol - chất gây rối loạn nhịp tim, liệt cơ, tăng huyết áp, Cục Chăn nuôi mới đây đã yêu cầu kiểm tra chất này trong thức ăn chăn nuôi trên cả nước. Theo một khảo sát năm 2005, cứ 10 mẫu thức ăn chăn nuôi thì 1 mẫu có Clenbuterol.
Clenbuterol là một chất có tác dụng tăng sinh quá trình tổng hợp protein để tích lũy nạc và giảm hình thành mỡ trong cơ thể. Do đó, nó từng được dùng trong thức ăn chăn nuôi. Từ năm 1996, chất này đã bị cấm dùng ở châu Âu do những phát hiện về tác hại của nó đối với sức khỏe con người. Tại Việt Nam, Clenbuterol bị cấm dùng trong chăn nuôi (kể cả chữa bệnh) từ năm 2002. Tuy nhiên, trên thực tế, nó vẫn được nhiều người sử dụng để kích thích tăng trọng, nhất là tăng lượng nạc cho gia súc lấy thịt.
Năm 2005, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đã lấy mẫu thức ăn chăn nuôi thu thập tại các hộ gia đình, trang trại chăn nuôi để xét nghiệm nhanh tìm Clenbuterol. Các mẫu thử này là sản phẩm của 12 công ty, thuộc loại đậm đặc hoặc đã được người chăn nuôi pha trộn. Kết quả cho thấy 11% số mẫu (là sản phẩm của 5 công ty) cho kết quả dương tính.
Do nghi ngờ rằng chính người chăn nuôi tự mua chế phẩm Clenbuterol về trộn thêm vào thức ăn cho lợn, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đã thu thập mẫu thức ăn đậm đặc trên thị trường để tiếp tục khảo sát. Kết quả là 1/12 mẫu sản phẩm của công ty Anco cho kết quả dương tính. Có 3 mẫu nguyên liệu bổ sung nguồn gốc từ Campuchia và Trung Quốc được chào bán cho công ty Mỹ Nông cũng chứa Clenbuterol.
Từ giữa tháng 6 vừa qua, do dư luận xôn xao về tình trạng nhiễm chất trên trong các loại thịt, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu tất cả các tỉnh kiểm tra Clenbuterol trong thức ăn chăn nuôi. Hiện chỉ mới 4 tỉnh gửi kết quả, trong đó 1/27 mẫu có Clenbuterol. Cục cũng lập đoàn kiểm tra lấy mẫu ở một số nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, 1 trong 17 mẫu cho kết quả dương tính, các mẫu khác đang chờ kết quả.
Ông Chu Đình Khu, cán bộ Cục chăn nuôi, cho biết Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cũng đã lấy ngẫu nhiên các mẫu thịt trên thị trường để xét nghiệm nhanh, kết quả cho thấy 6,3% số mẫu chứa Clenbuterol. Một khảo sát khác của Chi cục thú y TP HCM cho thấy, 16% số mẫu thịt được thử có tồn dư chất này, tuy nhiên chi cục đã xét nghiệm các mẫu nghi ngờ chứ không phải lấy mẫu ngẫu nhiên.
Theo ông Khu, để hạn chế tình trạng sử dụng trái phép chất độc kể trên, ngoài việc tăng cường kiểm tra các điểm sản xuất, kinh doanh thức ăn và thuốc thú y, các hộ chăn nuôi, cần kiểm tra nghiêm ngặt ở các cửa khẩu để tránh tình trạng nhập Clenbuterol cũng như các chất cấm khác.
Theo VnExpress |