Viện Nghiên cứu Khai thác và Nuôi trồng thuỷ sản Na Uy (Fiskeriforskning) là một trong nhiều viện nghiên cứu đang tham gia vào dự án kéo dài 4 năm, nghiên cứu khả năng sử dụng ruốc khai thác ở Biển Na Uy để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn cho cá.
Cơ sở hình thành nên dự án này là hoạt động nuôi cá hồi trên thế giới đang phát triển ổn định, với sản lượng tăng 5-10%/năm nên cần tìm các nguyên liệu và thành phần mới để sản xuất thức ăn nuôi cá hồi.
Theo dự đoán, thị trường thế giới sẽ thiếu nguồn cung cấp dầu cá trong vài năm tới và thiếu nguồn cung cấp bột cá trong khoảng 10 năm tới. Bột cá và dầu cá là các thành phần thiết yếu để sản xuất thức ăn cho cá hồi và một số loài hải sản khác.
Hiện tại, bột cá có giá rất cao. Đã có một số dấu hiệu cho thấy trữ lượng cá cát ở Biển Bắc khá dồi dào, có thể dùng để khôi phục sản lượng bột cá. Tuy nhiên, nếu chỉ có nguồn nguyên liệu này sẽ không thể khiến giá bột cá hạ, đặc biệt là do nhu cầu từ phía Trung Quốc tăng mạnh.
Nhiều chất dinh dưỡng trong ruốc có thể hoà tan trong nước nên sẽ bị mất đi cùng với nước trong quá trình sản xuất nếu tiến hành sản xuất bột ruốc ngay trên tàu. Để hạn chế tình trạng này, phải sản xuất bột ruốc trong các nhà máy trên đất liền.
Tuy nhiên, việc bảo quản và vận chuyển ruốc từ biển vào đất liền là một thách thức lớn vì ruốc phân huỷ rất nhanh. Kết quả thử nghiệm cho thấy chỉ có thể bảo quản ruốc ở nhiệt độ 00C trong 5-6 ngày, như vậy là quá ngắn, không đủ để tạo lợi nhuận. Do đó, các nhà khoa học Na Uy đang nghiên cứu khả năng sử dụng thuốc bảo quản để kéo dài thời gian phân huỷ của ruốc.
Điều kiện sản xuất trên đất liền giúp bột ruốc giữ lại được nhiều prôtêin, chất béo và astaxanthin sắc tố - chất giúp thịt cá hồi có màu đỏ tươi.
Trước đây, bột ruốc đã được dùng để sản xuất thức ăn nuôi cá hồi sinh thái do có hàm lượng astaxanthin sắc tố cao nên không cần dùng đến astaxanthin nhân tạo. Tuy nhiên, do có sản lượng bột ruốc thấp nên giá cao, không thể dùng đại trà trong các trại nuôi cá hồi.
Theo Vasep. |